Tôi đã sống với Sài Gòn vào những năm 60, lúc mà tiếng súng Cách Mạng 01.11.1963 lật đổ chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn còn văng vẳng bên tai của môt chú bé chưa tròn 7 tuổi. Ngày đó Sài Gòn với hơi cay, với biểu tình, với đảo chánh, vẫn còn trong trí nhớ non nớt của tôi.
Năm 1967 rời Sàigòn lên An Lộc do cuộc đời quân ngũ của bố tôi. Đến vùng đất đỏ thật xa lạ này, đối với tôi như một chốn thần tiên. Ngày đặt chân đến đây, tôi đã ngây người nhìn loài hoa tím dại bên đường, hoa mắc cở, khép lá. Những cánh rừng cao su bạt ngàn đã khơi lên cái tính hiếu kỳ mạo hiểm trong tôi. Về miền đất đỏ ấy, có một phần đời này, tôi đã viết về Bình Long, về An Lộc, trong kỷ niệm mà nước mắt nhạt nhòa: “…Tôi đã lớn lên với An Lộc, với Xa Cam, Xa Cát, Quản Lợi, với những vườn cây trái xanh tươi bên những dòng suối mát ẩn mình trong những cánh rừng cao su ngút ngàn của vùng đất đỏ cao nguyên. Nơi đó, tôi đã có những ngày thơ dưới mái trường Trung Học Bình Long, biết cùng thằng Thiện, thằng Khương, thằng Hùng … trốn học đi tắm cống, tắm đập, đến nỗi bị bạn giấu mất cả quần, không có gì để mặc về nhà. Rồi có những ngày sau giờ học rủ nhau đánh khang, đánh trổng, đánh lộn với thằng Vũ Thành Nam như cơm bữa, vì có những thằng bạn khích vào. Cũng may thằng Nam nó nhỏ con như tôi. Sau gặp lại nhau, chúng tôi vẫn nhắc đến chuyện này hoài. Rồi cũng biết chọc phá những cô sơn nữ trong những sóc làng tận chốn xa xăm, bên bờ suối vắng. Nơi đó tôi đã có Liên, cô bạn học bé nhỏ, má đỏ môi hồng, dễ thương đã tập cho tôi ăn những trái me chua trong khu vườn rực nắng, chúm chím môi cười. Mà có lẽ, lúc đó nếu tinh ý, Liên đã bắt gặp ánh mắt đắm nhìn của tôi. Tuổi mười lăm ngày đó, chẳng hiểu tôi đã biết yêu chưa? Tôi cũng đã có những chiều bâng khuâng nhớ Liên, nhớ mái tóc mây mềm từ dạo mới vào học Đệ Thất, học thêm, chung với Liên. Nhớ những ngày bên nhau trên Đồi Gió, nhìn từ Xa Cam vào Bình Long để mơ mộng vẩn vơ.”
Ngày trốn chạy khỏi Bình Long, tháng Tư của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, đi qua nhà Liên ở Cư Xá Sĩ Quan mịt mù trống vắng. Trong hỗn loạn tôi thấy cay cay trong mắt, chẳng biết vì khói súng hay do những giọt nước mắt không thành cho một lần tiễn biệt…
Nói đến An Lộc tôi nhớ về Tướng Lê Văn Hưng, với cái nghĩa khí của một vị tướng tài.
Những năm tháng Sài Gòn, trong ngôi trường Võ Trường Toản bé nhỏ hiền hòa bên cạnh cô hàng xóm Trưng Vương kiêu sa, chúng tôi bị ngăn cách bởi ngôi nhà cổ kính của Nha Khảo Thí, tôi cũng biết sáng đợi chiều trông. Biết cùng Thiện đứng bên này trên dãy lầu ba để vẫy gọi với những cô láng giềng chưa hề biết gặp. Biết hẹn hò và làm thơ để run trao cho L.H. Những vần thơ vụng dại. Chúng tôi có những ngày bên nhau. L.H. là cả một trời thơ mộng giữa phố thị ngược xuôi. Tôi mất Sài Gòn, mất đi L.H. trong cái hỗn độn của tháng Tư 1975 nghiệt ngã vô thường.
Trần Công Thiện là thằng bạn học chung với nhau từ năm lớp Ba trên Bình Long. Thiện về Sài Gòn học ở Võ Trường Toản từ năm lớp Đệ Ngũ, do ba nó về nhận chức Trưởng Ty Bưu Điện Pasteur, Quận Nhất. Ngày trở lại Bình Long không còn nữa, nên Thiện đưa mẹ tôi và anh em chúng tôi đến gặp Thầy Nguyễn Mạnh Tuân, Tổng Giám Thị và thầy Hiệu Trưởng Đỗ Hữu Nghĩa, hai thầy sau đó đã có quyết định đặc biệt cho anh em tôi được vào học tiếp ở đây. Tôi lại có dịp ngồi chung trường, chung lớp với nó. Mất một năm lớp 10 học dở dang vì chiến cuộc và chiến nạn, vào lớp 11 ở đây những tháng đầu tôi phải khó khăn lắm về môn Pháp Văn, sinh ngữ hai, với thầy Trần Văn Dinh. Cứ mỗi tháng ông tặng đều cho tôi một cái 01/20, và chửi thật thậm tệ, thứ hạng trong lớp tôi cứ vì con Zero của ông mà thụt lùi mỗi tháng. Có biết đâu rằng tôi không được học thì làm sao mà tôi trả lời, và làm bài. Có lần có người con nuôi của ông đến cửa lớp học, ông chửi anh ta, vừa bằng tiếng Tây vừa bằng tiếng Việt làm bọn chúng tôi sợ muốn bỏ lớp mà chạy luôn. Độ nửa năm sau, lấy lại được căn bản về tiếng Pháp tôi đã đá văng được “tụi Sài Gòn”, như tôi và Thiện thường nói. Bấy giờ anh em chúng tôi chỉ còn nể sợ thằng Nguyễn Trung Cang và Phạm Hồng Dũng. Cái thằng mà năm lớp 12 nó được phần thưởng toàn trường của Tổng Thống VNCH.
Gặp lại nhau, rồi ngựa quen đường cũ, chúng tôi ham chơi nhiều hơn ham học. Sài Gòn những ngày tổng động viên, lớp học vắng dần. Cuối năm lớp 11, lúc này hai đứa cũng biết lo, nên rủ nhau đi học thêm, luyện thi Tú Tài, cho giống với người ta, với các môn Toán Lý Hóa, Triết ở trường Văn Học của Giáo sư Nguyên Sa Trần Bích Lan. Lúc thấy ông ở ngoài cổng chỗ bãi giữ xe Honda, với điệu dạng và cách ăn mặc xuề xòa, bọn tôi lầm tưởng ông là người giữ xe.
Được học chung với cả con gái nữa. Giờ Triết của Thầy Trần Bích Lan lúc nào cũng đông vui. Ông kể chuyện tếu nhiều hơn chuyện học. Lý Hóa với thầy Trần Trọng Lập, lúc nào giảng bài trán ông cũng ướt đẫm cả mồ hôi, rồi quay xuống hỏi, chẳng ai hiểu gì cả, “cứ nghe chan chát bên tai“. Bọn tôi đi học mà cứ dõi mắt nhìn về hai cô bé ngồi gần bàn đầu, một ốm một mập, vừa kiêu ngạo vừa phá phách như “con gái Sài Gòn“. Bọn tôi đã ngầm theo hai cô về tận đến nhà, và còn biết rõ giờ giấc đi lại của từng người, kể cả những ngày nghỉ học.
Một hôm hai đứa chạy theo xe của hai nhỏ nầy đến tận Công Trường Con Rùa, Duy Tân. Biết chúng tôi theo, họ dừng xe lại và nghênh mặt, ngạo mạn hỏi hai đứa tôi muốn gì. Hai đứa sợ xanh cả mặt. Thế mới biết con gái Lê Văn Duyệt “hổng có hiền“. Rồi có lẽ thấy tội nghiệp cho hai thằng khờ nên “nhỏ ốm“ xưng tên T.T.A.H., còn “nhỏ mập“ là V.A. Rồi nhỏ ốm hỏi tôi trống không: “Tên gì?” Sợ quá… tôi cũng chẳng còn biết mình tên là gì nữa, để mà trả lời.
Tối nào, hai đứa cũng đi một vòng. Tôi từ Ngã Ba Ông Tạ, Thiện từ Pasteur, chúng tôi có điểm hẹn là Công Trường Dân Chủ. Từ đó qua nhà nàng ở chung cư Yên Đỗ, rồi đến Trần Quang Khải. Chúng tôi sống mơ mộng như trong tình khúc của Nhật Trường, mặc dù nhà nàng không có hương thơm dạ lý. Về đến nhà hôm nào cũng hơn mười giờ đêm, bố mẹ tôi cứ tưởng con mình chăm học lắm, hết học trường công lại đi học trường tư, học cả ngày lẫn đêm.
Tôi có thói quen, cứ đói bụng thì không học bài được, mà ăn no thì lại không dám học vì sợ đau bao tử và có hại sức khỏe. Mà năm ấy chúng tôi thi trắc nghiệm IBM. Nghe nói dễ lắm. Thiên hạ đồn rằng chẳng cần học bài, cứ nhắm mắt vô khoanh, không A thì B hoặc C, bí quá thì đổ hột xí ngầu rồi đánh bừa cũng đậu. Nghe nói cả bác lao công đi thi cũng đậu, cả nước đi thi mà, vui lắm! Đấy là lý do biện minh để hai đứa tôi yên tâm để thì giờ mà lêu lổng vui chơi. Hôm trường đưa bài thi thử, mới thấy là mình sống trong mơ đã gần một năm nay rồi.
Cũng có một cái may, tự dưng tôi và Thiện giận nhau đến hơn 3 tháng trước ngày thi Tú Tài. Thường thì chúng tôi cũng hay giận nhau lắm, nhưng cùng lắm chỉ đến dăm hôm vài bữa rồi lại làm hòa. Nhờ đó hai đứa mới có thời gian và cơ hội để học bài thi. Lúc này tôi cũng quên đi được cô bé Lê văn Duyệt…
Gặp lại nhau sau nhiều tháng trong khung trời Khoa Học. SPCN cho ghi danh thật trễ, ai cũng lo lắng. Vì nếu không có chỗ học năm đầu Đại Học thì sẽ bị đi lính. Tôi cũng đi lên Thủ Đức thi tiếng Anh để giữ chỗ trong lớp Sinh Lý A.
Vào Khoa Học lúc này hai nhỏ ốm, mập đã chơi với chúng tôi. Đã chung đường quen lối. Hai nhỏ tặng cho chúng tôi hai tấm hình, để chúng tôi đỡ nhớ lúc không gặp nhau. Tôi và Thiện hai đứa lại chỉ thích mỗi một “nhỏ ốm” mà thôi. Còn “nhỏ mập“ thì chỉ mến như một người bạn hay một người chị. Chúng tôi phải đánh tù tì để được giữ hình nhỏ ốm, cứ mỗi đứa một tuần.
Trong Giảng Đường Hai tôi đã từng nhiều lần bỏ lớp ra ngoài, lúc cô Trần Ngươn Phiêu hay thầy Công (Vật Lý) đi du học trở về lại Việt Nam giảng dạy, đang giảng, khi họ quay lên bảng để chép bài, tôi cùng Thiện, và hai nhỏ đi lang thang trên phố, hoặc vào quán thạch chè Hiển Khánh với nhau… Cô Phiêu là vợ của Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu, đã có một thời làm đến chức Tổng Trưởng Y tế của VNCH. Cô rất khó, khi vào Giảng Đường II, tất cả sinh viên chúng tôi phải đứng dậy chào cô như thời còn ở tiểu học, rồi mới được ngổi xuống học.
Rồi Sài Gòn lại với những ngày biểu tình với “Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng” của Linh Mục Trần Hữu Thanh trong xứ đạo Tân Sa Châu. Sài Gòn không ngủ với dòng người đòi ông Thiệu phải từ chức. Tôi cũng hòa nhập vào dòng người đó để chống lại bất công xã hội. Tuổi thanh niên chúng tôi là thế đó.
Tin thất trận các tỉnh miền Trung dồn dập tràn về. Sài Gòn sống trong hốt hoảng, trong cái chết hỗn loạn bi thương. Vài ngày trước khi Sài Gòn mất, chúng tôi có dịp thấy ông Kỳ đến xứ đạo Tân Sa Châu. Ông ta đã tuyên bố trước báo chí sẽ ở lại tử thủ đến cùng, chứ không hèn nhát bỏ trốn. Qua Mỹ để làm gì, làm gì có cà pháo mắm tôm, vợ con sẽ phải… Lúc nghe ông Kỳ ba xạo, chúng tôi cũng hăng máu lắm, cũng dơ tay, đòi ở lại, thề cùng ông ta chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, dù không biết cầm cây súng. Ngay chiều hôm đó tin BBC cho biết ông đã bỏ trốn ra chiến hạm Mỹ đậu ngoài khơi. Ngày ông trở về lại VN chửi lại VNCH, những người phía bên kia họ đã tha tội ... cho ông và cũng xem ông chẳng ra gì.
Dòng đời nghiệt ngã, tháng Tư 1975, ngày mất nước đã đưa gia đình Thiện đến bước đường cùng. Thiện đã nói trong nước mắt, thôi bây giờ tao chẳng còn gì để mà dành “nhỏ ốm” của mày nữa!
Thôi thì cứ để dòng đời đưa đẩy, buông trôi gắng gượng với những ngày ở Khoa Học. Tôi đã chạy theo và lánh đi một cuộc tình với T.T.A.H., cô bé Lê Văn Duyệt. Cái hạnh phúc mong manh và ngắn ngủi đó đã giữ tôi lại với Khoa Học, với Đại Học Tổng Hợp, ngắt bỏ đi những chập chững trong trường Y, làm bố tôi đã hơn một lần thất vọng, tưởng không có người nối nghiệp.
Ngày A.H. rẽ lối chia lìa, tôi đã say với hơn một ly bia, vùi đầu trong gối, nước mắt tuôn tràn. Những sợi tóc nàng trao tôi đã giữ trọn cho đến ngày xa quê lìa xứ.
Ba mươi lăm năm sau, ngày gặp lại A.H. bên trời Âu, nàng chỉ mơ ước có một đêm candle light bên nhau, trách tôi sao không nói rõ ngày đó. Tôi đùa rằng candle light bây giờ Thanh chỉ dùng đến khi ăn hột vịt lộn thôi, vì trong cái ấm cúng mờ ảo ấy mình sẽ không trông thấy con vịt, sợ lắm H. à.
…. Thời gian phôi pha, hình ảnh cũ rồi cũng nhạt nhòa bằng những cố quên với Như Mai, với Minh, với Huyền… với những ngày lao động, với sách đèn. Tìm được niềm vui, tôi có Huyền Linh, sau những ngày dài đeo đuổi. Ở đây, tôi tìm được nơi Huyền Linh một chút dịu dàng của Liên, một tí thơ mộng của L.H., một chút kiêu sa của T.T.A.H. và có bóng dáng của tà áo dài thơ mơ mộng của cô nữ sinh Gia Long, e ấp ôm bờ vai nhỏ ngoan hiền.
Trong nhóm thực tập Sinh Hóa tôi có một cô bạn nhỏ N.A., người Bình Dương, thật dễ thương. N.A. hay nhờ tôi chỉ cho xem trong kính hiển vi sau khi phân tích. Phòng thực tập sinh hóa được xem là tối tân nhất vào thời đó, được trang bị với những kính hiển vi binocular (hai thị kính, nhìn được bằng cả hai mắt). Có một lần tự nhiên tôi thấy má mình đỏ bừng, khi má tôi và má N.A. chạm nhau. Lúc đó tôi chẳng hiểu mình học gì nữa và N.A .cũng để như thế rất lâu, mà hai đứa chẳng nói gì. Từ đó tôi say mê học Sinh Hóa và thầm cám ơn các nhà khoa học đã chế ra chiếc kính hiển vi tài tình với binocular thật diệu kỳ. Bây giờ mỗi lần có dịp ngồi trước kính hiển vi, khám nghiệm, tôi lại mơ đến ngày nào…
Khi có Huyền Linh tôi không còn viết được những vần thơ lãng mạn như ngày nào, như cái thuở còn theo đuổi, hẹn hò trong con phố nhỏ, bên hông trường Đại Học Vạn Hạnh dẫn đến nhà nàng. Khi ra trường, tôi được phân công về Sở Thủy Sản, Huyền Linh về nhận công việc ở Công Ty Cây Xanh Thành Phố. Ngày tháng bên nhau là những tính toán cho một lần đào thoát.
Đêm tháng Tư 1980 thật dài và buồn như vô tận. Ngồi trên boong tàu Cap Anamur nhìn về một chân trời xa xăm trên đại dương, mênh mông biển nước, tôi thấy nơi đó có Việt Nam, có Sài Gòn của tôi. Nước mắt nhạt nhòa, khi nghe BBC loan đi một mẩu tin ngắn, như những mẩu tin vô tình hằng đêm: 52 thuyền nhân đã được tàu Cap Anamur của Hiệp Hội Bác Sĩ Cứu Cấp của Tây Đức cứu vớt trên biển Đông. Họ ra đi từ bến Bạch Đằng trên một chiếc ghe nhỏ, dài hơn 7 mét. Tiếp theo bản tin ấy, Ca Sĩ Khánh Ly đã thổn thức trong khúc hát: “… chiều nay có một người di tản buồn, nhìn về nơi một quê hương thật xa, nơi rất xa…” như tâm trạng của tôi, lúc bấy giờ!
Mừng cho một lần vượt thoát. Nỗi buồn để lại sau lưng là xa mẹ cách cha, là anh em, là bạn bè, và là cả một trời quê hương. Vẫn còn khổ nạn với những tháng Tư buồn…
Thôi đã mất hết rồi! Còn đâu những hẹn hò thơ dại của một thời mới lớn. Còn đâu những con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngập lá me vàng dẫn đến ngôi trường Võ Trường Toản cổ kính, giấu mình trong những tàn cây cao vút, còn đâu con đường Cộng Hòa ngập hoa vàng cườm thảo!
May mà nơi đây tôi còn có Huyền Linh, một người bạn, một người vợ hiền, có một đàn con và mái ấm gia đình, với những bận rộn sinh nhai với phòng mạch để quên đi những tháng ngày thầm lặng đến buồn tênh nơi quê người…
Viết cho những người bạn của tôi
(Minden, đêm 24 tháng Giêng năm 2015)
Trương Ngọc Thanh (67-74)
(Bài viết đã được đăng trên Đặc San Xuân Ất Mùi 2015 - CSV Đại Học Khoa Học Saigon)